Hàn Quốc với tầm nhìn giao thông

(LĐ) - Từ lâu lắm rồi, tôi vẫn không quên câu nói của ai đó cho rằng, để đánh giá nền kinh tế một đất nước, hãy nhìn vào hệ thống giao thông của họ.

Có lẽ vì vậy, mỗi lần có dịp đến một đất nước nào đó, tôi thường để ý đến hệ thống đường sá của họ. Những ngày đầu tháng 7 vừa qua, khi đến Hàn Quốc, tôi càng để ý hơn về hệ thống giao thông, bởi đây là một trong số ít các nước có những bước phát triển thần kỳ về kinh tế.

Đường phố, xa lộ và...

Khi đến thủ đô Seoul cũng như TP.Busan, ấn tượng mạnh đến với tôi không phải là những toà nhà cao ốc san sát nhau, mà là kiểu các toà nhà cứ theo triền núi mà "mọc" tự nhiên như cây cỏ trên núi vậy. Do đó, khi đi xe trong thành phố mà cứ thấy lên lên, xuống xuống đều đều như sóng biển dịu nhẹ mới thấy thật thú vị.

 

 

Đặc biệt, khu phố cũ nằm ở phía đông Seoul với những con đường nho nhỏ thì cảm giác này càng mạnh: Mặt đường mịn, sạch, nhỏ như dải lụa mềm nhẹ bay trước gió thoảng, khiến cảm giác như mình đang bồng bềnh trên sóng vậy. Và, tôi không thể biết ở phía đông Seoul này, những đoạn đường đi dưới hầm nhiều hay ít hơn cung đường đi lộ thiên, nhưng chỉ biết rằng, cứ đi một lúc là xe lại chui vào hầm, không ít hầm khá dài, hầm nào cũng rộng khoảng 4 làn xe với ánh đèn sáng đỏ rất dễ chịu.

Tiếc rằng, tuy TP được xây dựng ở vùng núi non như vậy, nhưng đường phố lại rất ít cây, nếu không chắc nó sẽ đẹp hơn rất nhiều. Không chỉ đưa đi dạo nhiều ở Seoul, nhà báo Duy Hưng - đã 3 năm làm Trưởng phân xã của Thông Tấn xã Việt Nam ở Hàn Quốc, tháng 7 này là những ngày cuối nhiệm kỳ, là thạc sĩ về tiếng Hàn - còn cho chúng tôi biết khá nhiều điều về văn hoá Hàn và TP.Seoul và tầm nhìn của bạn. Hưng vừa lái xe vừa nói, em đã đi khắp phố cũ ở đây, không như ở Hà Nội, ở đây ngõ nhỏ nhất ôtô vẫn vào vô tư. Và để cho chúng tôi biết về kiến trúc mới của Seoul, Hưng cho chúng tôi đi sang phía nam TP, đây được coi là khu phố mới với quy hoạch hiện đại. Từ phía đông sang phía nam của thủ đô này có khá nhiều cầu bắc qua sông Hàn.

Trên cầu tôi mới thấy, để giải toả giao thông, không chỉ là những cây cầu vượt chồng chằng chịt lên nhau, mà họ còn tận dụng mặt nước để dựng cầu chạy dọc theo dòng sông Hàn. Và hai bên bờ sông là những thảm cây xanh, những vườn hoa cùng với nhiều thanh - thiếu niên dạo, chạy nhảy trông thật thanh bình, lãng mạn. Lúc ấy, tôi chợt nghĩ đến dự án sông Hồng ở Hà Nội, không biết đã tranh luận đến đâu và khi nào thì mới đến hồi kết?

Trên nóc các nhà cao tầng đều có sân để đỗ máy bay trực thăng.

Để có thể tải được lượng người khổng lồ của những ngôi nhà cao vút san sát nhau ở khu phía nam này, đường phố của họ rộng gấp hai lần hoặc ít nhất là bằng đường cao tốc của ta là bình thường, nhưng lúc nào xe cũng chật cứng. Và vì đường nhiều làn, xe lại quá nhiều, nên ở nhiều đoạn đường muốn rẽ trái, xe không thể rẽ trái ngay mà phải đi tiếp đến khi nào có đường rẽ phải thì mới rẽ, để rồi rẽ phải thêm hai lần nữa để ra đoạn đường cần rẽ - lúc này là nó trở thành đi thẳng qua ngã tư. Cách này ở ta chưa phải dùng đến và vì vậy biển báo cho chỗ rẽ trái như vậy nó lạ hoắc với chúng tôi.

Đến hôm từ TP.Busan về Seoul, tôi mới biết thế nào là ôtô chạy trên đường cao tốc, mà đến hôm nay vẫn hãi hùng. Với những đoạn đường có nhiều làn thì không có gì đáng nói. Nhưng có một số đoạn chỉ còn 2 làn xe cho mỗi chiều, một bên là dải phân cách cứng, một bên là tường chống ồn cao khoảng 2 mét mà ôtô cứ đều đều chạy tốc độ 140km, mọi vật cứ vèo vèo qua mặt, thật khủng khiếp. Đặc biệt khi biết lái xe lại là vị giám đốc gì đấy của Cty Posco, anh em chúng tôi càng... choáng.

Vậy mà khi tôi vừa hạ kính để vứt vỏ kẹo bé tí ti, lái xe phát hiện ngay, ông ta vội xua xua tay, nói liên tục để... chặn tôi lại. Còn ông Dae-Bog Si - Phó Tổng Giám đốc Posco E&C - hình như quá quen với tốc độ này nên vẫn thao thao câu chuyện về tuyến đường cao tốc này. Ông kể, ngày đó, đất nước này vẫn còn nghèo lắm, nông nghiệp vẫn là chủ đạo, chỉ toàn là xe đạp, tiền thì ít, mà lúc đó nước ngoài cũng không muốn cho vay. Vì vậy, khi Tổng thống Pắc Chung Hi đưa ý định xây dựng con đường huyết mạch này đã bị nhiều người phản đối quyết liệt. Nhưng Tổng thống còn cương quyết hơn khi vẫn quyết tâm thực hiện dự án này.

Ông cho rằng, càng nghèo càng phải làm, có con đường này mới cứu chúng ta thoát nghèo. Và ông đã làm mọi cách, huy động mọi nguồn tiền để làm tuyến đường này. Lúc ấy, tôi lại nhớ lúc vào thăm Bảo tàng thép của Cty Posco ở Busan. Theo người giới thiệu ở bảo tàng, năm 1965 sau khi đến Mỹ và thấy được vì sao họ hưng thịnh, về nước Tổng thống Pắc Chung Hi đã khởi xướng việc xây dựng nhà máy thép hiện đại của Hàn Quốc.

 

Với khoảng 73 triệu USD từ khoản tiền đền bù chiến tranh của Nhật cộng với số tiền ít ỏi của ngân quỹ đã được chính quyền đổ vào đây để xây dựng. Đến nay, theo ông Si, sản lượng thép của Hàn Quốc đứng thứ ba thế giới và tự hào khoe: Hàn Quốc phát triển nhanh, mạnh trong thời gian ngắn là nhờ... đường cao tốc và thép.

...tàu cao tốc

Khi vào sảnh nhà ga đường sắt ở Seoul tôi nghĩ lạc vào... siêu thị. Các quầy hàng, quán ăn nhanh với đủ chủng loại cứ nối đuôi nhau dài như vô tận. Và cũng như ở các quán ăn nhanh khác, ăn xong khách tự dọn rất sạch sẽ, gọn gàng như người hầu bàn thực sự. Từ "siêu thị", chúng tôi qua hai lần đi thang cuốn để xuống tàu. Cứ có đường ke là có thang đưa xuống tận nơi, nên hành khách không phải băng qua đường tàu như ở bên ta. Không chỉ ở Seoul, mà ở các nhà ga tỉnh lẻ cũng vậy: Đó là những "siêu thị", những thang cuốn và thang bộ.

Lên tàu, tôi rất háo hức vì... chưa biết thế nào là tàu cao tốc. Lúc biết đây chỉ là tàu chạy nhanh chứ không phải là tàu chạy trên băng từ, thì tôi cũng bất ngờ. Nhưng khi biết từ Seoul đến TP.Busan dài gần 500km tàu chạy chưa đầy 4 tiếng, vì đang có thói quen với tàu hoả của mình, tôi thấy lạ khi tàu chạy nhanh như vậy nhưng nó không lắc, không nghe thấy tiếng nghiến kèn kẹt. Điều này khiến tôi rất tò mò kết cấu đường ray của họ.

Nhưng khi nhìn xuống đường ray bên cạnh chỉ thấy một màu ghi sáng chạy vèo vèo, không thể hình dung nổi nền đường của họ làm như thế nào. Khi tàu đỗ, tôi mới thấy nó cũng chẳng khác đường sắt của ta về kết cấu, cũng là đường ray sắt đặt trên tà vẹt bêtông với toàn bộ nền đá. Vậy có lẽ, tàu họ chạy êm như vậy là do đường ray của họ chạy thẳng là chính, cứ đụng vào núi là xuyên hầm. Nên tàu của họ vào hầm liên tục, còn ở ta là liên tục... cua.

Tôi cũng thấy lạ là họ "rất lãng phí" bởi gần như suốt con đường tàu này (chỉ trừ rất ít đoạn qua đồi núi không có dân cư, đường sá) họ đều có tường chống ồn, kể cả chỗ chỉ có ruộng. Cái mà tôi gọi là "tường" ấy là những tấm tôn múi được sơn sạch sẽ và đẹp mắt, được dựng ngăn cách đường tàu với xung quanh. Phần lớn những hàng tôn này cao hơn đầu người, còn những chỗ qua nhà cao tầng thì phải cao cỡ gấp 3 lần chỗ khác. Và nếu tôi không nhầm, những đoạn đường sắt chúng tôi đi qua không thấy bất cứ đường bộ, đường dân sinh nào cắt qua. Vì vậy, tôi hiểu vì sao họ có thể tính sai số thời gian cho cả quãng đường dài như thế chỉ vài phút.

Tại sao đường bộ cũng như đường sắt họ quy hoạch và làm được tốt như thế, còn ta thì chưa? Những điều đó cứ ám ảnh tôi trong suốt hành trình...

Nguồn: laodong.coma


Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN DU HỌC VÀ DỊCH THUẬT OSC

Trụ sở chính: Số 24 Ngõ 184 Vương Thừa Vũ, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội  

Điện thoại: 02435 666 668; 0972 096 096 / 0987 932 932 - Fax: 02435 666 668

Email: DuhocOSC@gmail.com

Website: www.osc.edu.vn

Facebook: www.facebook.com/duhocosc 

Youtube: www.youtube.com/duhocosc

Công ty cổ phần tư vấn Du học & Dịch thuật OSC

  • 24/184 Vương Thừa Vũ, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
  • 0972 096 096 - 0987 932 932
  • 02435 666 668 - Fax: 02435 666 669
  • DuhocOSC@gmail.com
  • www.osc.edu.vn

thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1.599
  • Tổng lượt truy cập: 1.021.665

Copyright © 2019 CONG TY TU VAN DU HOC & DICH THUAT OSC. All Right Reserved. Designed by VIETSEO

Fanpage