Nhật Bản – Đất nước mặt trời mọc
Nhật Bản là một đảo quốc, nằm trên biển Thái Bình Dương, phía đông của Đông Á.Quần đảo Nhật bản với trên 3.000 đảo được tạo thành từ các ngọn núi cao nổi lên từ một dãy núi nằm sâu dưới biển Thái Bình Dương, phía ngoài lục địa châu Á. Toàn bộ diện tích của Nhật Bản là 377.829 km2, bằng khoảng 1/26 diện tích Trung Quốc, tương đương với diện tích của Đức, Phần Lan hay Việt Nam.
1. Điều kiện tự nhiên
Nhật Bản là một đảo quốc, nằm trên biển Thái Bình Dương, phía đông của Đông Á.Quần đảo Nhật bản với trên 3.000 đảo được tạo thành từ các ngọn núi cao nổi lên từ một dãy núi nằm sâu dưới biển Thái Bình Dương, phía ngoài lục địa châu Á. Toàn bộ diện tích của Nhật Bản là 377.829 km2, bằng khoảng 1/26 diện tích Trung Quốc, tương đương với diện tích của Đức, Phần Lan hay Việt Nam. Lãnh thổ bao gồm đảo Honshyu đảo lớn nhất, chiếm 61% diện tích lãnh thổ quốc gia, Hokkaido, kyushyu, shikoku hợp thành một quần đảo trung tâm, kéo dài xuống phía nam có các quần đảo izu, ogasawara, kéo dài về phía tây nam thì có quần đảo nansei và ở phía đông bắc thì có quần đảo Hokkaido, tất cả hợp thành một hình cánh cung trên biển. Khoảng 80% diện tích Nhật Bản là vùng núi trong khi các vùng bình nguyên thường nhỏ và hẹp. Các cánh đồng được canh tác chiếm 12,3%, diện tích đất trồng cây ăn quả chiếm 1,1% và đất trồng cỏ chiếm 0,2% diện tích quốc gia. Ngược lại, rừng bao phủ tới 66,5% tổng diện tích đất. Bao quanh đất nước là biển như: biển taihei, biển Nhật Bản, biển higashijina, biển Philipin, biển ohootsuku… Tiếp xúc với các biển các quốc gia như: Liên Bang Nga, Đại Hàn Dân Quốc, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Trung Hoa, Cộng Hòa Philipin, phía bắc của quần đảo Mariana của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ…
Khí hậu của Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn bởi tính chất địa lý, toàn bộ đảo Honshyu có khí hậu ôn đới, phía nam như đảo Okinawa có khí hậu cận nhiệt đới, phía bắc như Hokkaido thì mùa đông nhiệt độ dưới 0 độ C, tương đối lạnh. Vùng xung quanh thủ đô Tokyo, nơi mà các bạn đang dự tính đến làm việc, thì có 4 mùa. Mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 2) trời rất lạnh, thỉnh thoảng nhiệt độ xuống dưới 0oC, nhưng vào mùa hè (từ tháng 7 đến tháng 8) lại rất nóng, có những địa phương nhiệt độ lên trên 35oC. Thế nhưng, vào mùa xuân (từ tháng 3 đến tháng 6) hay mùa thu (từ tháng 9 đến tháng 10) thì lại dễ sống hơn với khí hậu ôn hòa.
2. Dân số và đặc tính con người
Dân số của đất nước Nhật hơn 128 triệu người đứng thứ 10 trên thế giới. Mật độ trung bình khoảng 343 người /km2.. Tập trung cao ở các thành thố lớn, riêng dân số ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận (kanagawa, Chiba, Saitama) tập trung khoảng 30% dân số, cộng dân số của các thành phố lớn như Oosaka, Kyoto, Nagoya thì sẽ chiếm khoảng một nửa dân số cả nước Nhật.
Một đặc điểm của người Nhật là mức độ thuần nhất cao của họ, nếu không kể thiểu số người Ainu hiện nay còn khoảng 18.000 người sống ở Hokkaido và Sakhalin thì tất cả người Nhật đều thuộc về cùng một chủng tộc và chỉ nói một ngôn ngữ. Một phần vì vậy mà tính cách của người Nhật Bản mang sắc thái khá rõ ràng và đồng nhất.
- Người Nhật nói chung hiếu kỳ và nhạy cảm với văn hóa nước ngoài. Chúng ta có thể nói rằng không có dân tộc nào nhạy bén về văn hoá của nước ngoài như người Nhật. Họ không ngừng theo dõi những biến động tình hình bên ngoài, đánh giá và cân nhắc những ảnh hưởng của các trào lưu và xu hướng chính đang diễn ra đối với Nhật, và nếu như họ phát hiện ra trào lưu nào đang thắng thế thì họ có xu hướng sẵn sàng học hỏi, nghiên cứu để bắt kịp trào lưu đó. Và chính tinh thần thực dụng, tính hiếu kỳ và óc cầu tiến của người Nhật là những động lực thúc đẩy họ bắt kịp với các nước tiên tiến. Họ không đặt vấn đề phê phán hay chọn lọc khi học mà bằng mọi cách học cho hết. Sau đó họ mới nghiền ngẫm tìm ra những yếu tố có thể cải biến. Đến đây họ lại phát huy được thế mạnh của óc quan sát tỉ mỉ và sự tinh tế vốn có của văn hoá dân tộc. Mặc dù rất nhạy cảm đối với văn hoá nước ngoài, song người Nhật rất ý thức về tài sản văn hoá của họ. Tư liệu lịch sử văn hoá, đền đài, chùa chiền… đại bộ phận vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay. Hơn thế, các ngành nghề truyền thống không những không bị mai một đi mà còn được cải tiến kỹ thuật và càng trở nên tinh tế hơn.
- Người Nhật có ý thức tập thể: Tập thể đóng một vai trò quan trọng đối với người Nhật. Nó được thể hiện ngay từ trong cách xưng hô với người ngoài khi nói chuyện. Trong công việc người Nhật thường gạt cái tôi lại để đề cao cái chung, tìm sự hòa hợp giữa mình và những người xung quanh. Các tập thể có thể cạnh tranh với nhau rất gay gắt song cũng có lúc họ lại bắt tay với nhau để có thể đạt được mục đích chung như để đánh bại đối thủ nước ngoài. Vì vậy mà điều tối kỵ là làm mất danh dự của tập thể. Một học giả nước ngoài nghiên cứu về Nhật Bản đã đối lập “văn hóa hổ thẹn” của người Nhật với “văn hoá tội lỗi” của phương Tây.
- Người Nhật tôn trọng thứ bậc và địa vị: Ý thức tôn trọng thứ bậc có lẽ đã có từ lâu trong đời sống của người Nhật. Thái độ nhún mình trước những người có địa vị, quyền chức cũng có ở một số nước khác thời cận đại nhưng đặc biệt ở Nhật cho đến ngày nay vẫn còn đậm nét. Tập quán này được nhấn mạnh trong hơn 250 năm dưới thời Tokugawa. Ngày nay ý thức tôn trọng thứ bậc vẫn được thể hiện trong đời sống hàng ngày. Ví dụ trong phòng họp, người có chức vụ thấp nhất sẽ ngồi gần cửa ra vào, người có chức vụ càng cao thì càng ngồi gần phía bên trong. Hoặc trong các buổi tiệc tổ chức tại nhà hàng một cách đột xuất thì mọi người đều biết vị trí của mình mà không cần có sự hướng dẫn nào khác. Sắc thái tôn ti trật tự trong xã hội Nhật Bản thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ xưng hô và hình thức chào hỏi đối với từng đối tượng xã hội cụ thể. Đối với người lớn tuổi hay người có địa vị thì phải dùng ngôn ngữ kính trọng (sonkeigo), khi nói về mình và những người trong gia đình mình thì dùng ngôn ngữ khiêm nhường (kenjogo).
Chính từ cơ cấu này mà tinh thần đoàn kết và lòng trung thành của người Nhật được phát sinh, và nhờ đó mà việc động viên cho sự thực hiện mục tiêu của toàn thể tập đoàn là tương đối dễ dàng.
- Người Nhật có óc thẩm mỹ cao: Ấn tượng ban đầu của bất kỳ ai lần đầu đến thăm Nhật Bản là ngạc nhiên và thán phục về óc thẩm mỹ của người Nhật, từ cách trang trí nhà cửa sắp, xếp đồ đạc trong gia đình hay cách bài trí bữa cơm đều khiến cho mọi người có cảm giác tiếp cận một sự tinh tế, một óc thẩm mỹ cao. Nhưng óc thẩm mỹ của người Nhật không chỉ biểu hiện qua các hiện tượng bên ngoài mà còn qua lối suy nghĩ và cung cách làm việc của họ hàng ngày, hay nói rộng ra là nhân sinh quan của họ. Một người đan quạt tre ngắm đi ngắm lại xem cái quạt của mình làm đã cân đối chưa, có cần phải chau chuốt gì không, mặc dù khi làm như vậy thì anh ta sẽ mất nhiều thời gian hơn, đồng nghĩa với việc lợi nhuận thu về được ít hơn, song đối với người dân Nhật Bản ngoài mục đích lợi nhuận thì họ còn muốn đạt được một mục tiêu khác không kém phần quan trọng – đó là cảm giác thoải mái khi hoàn thành mỹ mãn một công việc dù là rất nhỏ. Họ luôn tìm kiếm cái đẹp trong công việc của mình, người Nhật nổi tiếng là người làm việc cần mẫn, xem công việc của công ty như là công việc của mình, luôn tận tâm tận sức, nhiều khi họ làm việc không phải vì lợi ích cá nhân của mình, họ xem công việc của họ không những là “hoạt động kinh tế” mà còn là “hoạt động thẩm mỹ”.
3. Nền kinh tế, khoa học, kỹ thuật
Nhật Bản là nước rất nghèo nàn về tài nguyên ngoại trừ gỗ và hải sản, trong khi dân số thì quá đông, phần lớn nguyên nhiên liệu phải nhập khẩu, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh, nhưng với các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi sau những năm chiến tranh và phát triển cao độ khiến cho thế giới hết sức kinh ngạc. Người ta gọi đó là "Thần kì Nhật Bản". Hiện nay Nhật Bản là một nước có nền kinh tế lớn đứng thứ hai trên thế giới (chỉ đứng sau Hoa Kỳ), GDP trên đầu người là 36.217 USD (1989). Cán cân thương mại dư thừa và dự trữ ngoại tệ đứng hàng đầu thế giới, nên nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài rất nhiều, là nước cho vay, viện trợ tái thiết và phát triển lớn nhất thế giới. Nhật Bản có nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng đứng hàng đầu thế giới. Đơn vị tiền tệ là: đồng yên Nhật. Dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, bán lẻ, giao thông, viễn thông tất cả đều là ngành công nghiệp lớn của Nhật Bản, Nhật Bản có năng lực rất lớn về công nghiệp, và đây là trụ sở của nhiều nhà sản xuất công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới về các sản phẩm xe có động cơ, trang thiết bị điện tử, công cụ máy móc, thép, phi kim loại, công nghiệp tàu thủy, hóa học, dệt may, thức ăn chế biến. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn đa quốc gia và nhiều mặt hàng thương mại trong lĩnh vực công nghệ và máy móc. Xây dựng từ lâu đã trở thành một trong những nền công nghiệp lớn nhất của Nhật Bản.
Nhật Bản cũng chính là trụ sở của ngân hàng lớn nhất thế giới, tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (Mitsubishi UFJ Financial Group) với số vốn ước tính lên đến 1.7 nghìn tỉ đô la Mỹ. Nhật Bản cũng là nơi có thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới - thị trường chứng khoán Tokyo với khoảng 549.7 nghìn tỉ yên vào tháng 12/2006. Đây cũng là trụ sở của một số công ty dịch vụ tài chính, những tập đoàn kinh doanh và những ngân hàng lớn nhất thế giới. Ví dụ như những tập đoàn kinh doanh và công ty đa quốc gia như Sony, Sumitomo, Mitsubishi và Toyota sở hữu hàng tỉ và hàng nghìn tỉ đô la đang hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, nhóm các nhà đầu tư hoặc dịch vụ tài chính như ngân hàng Sumitomo, ngân hàng Fuji, ngân hàng Mitsubishi, các định chế tài chính của Toyota và Sony.
Giao thông ở Nhật Bản rất phát triển, vào năm 2004 ở Nhật Bản có khoảng 1.177.278 km (731.683 miles) đường bộ, 173 sân bay, 23.577 km (14.653 miles) đường sắt. Phương tiện đường không được hoạt động chủ yếu bởi All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL). Đường sắt được điều khiển bởi Japan Railways. Có rất nhiều các chuyến bay quốc tế lớn từ nhiều thành phố và đất nước trên thế giới đến và rời Nhật Bản.
Sẽ không quá lời khi nói Nhật Bản là một cường quốc khoa học – kỹ thuật. Trình độ khoa học – kỹ thuật của Nhật Bản, theo đánh giá tổng hợp của Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Kỹ thuật Nhật Bản chỉ thua kém Mỹ nhưng vượt Đức, Anh, Pháp. Sản phẩm công nghiệp dựa trên kỹ thuật cao của Nhật Bản có mặt trên khắp thế giới. Số lượng bằng phát minh sáng chế của các công ty Nhật Bản không ngừng tăng và không ít nhà khoa học Nhật Bản đã đoạt giải Nobel.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn bị coi là cường quốc khoa học – kỹ thuật “vô định” vì thiếu một chiến lược phát triển tổng thể. Những thành tựu khoa học – kỹ thuật chưa được tận dụng hiệu quả, mối gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp yếu và việc chuyển giao tri thức, công nghệ chậm chạp. Nguyên nhân cản trở phát triển khoa học – kỹ thuật không chỉ dừng lại ở việc thiếu một chiến lược và chính sách linh hoạt với mục tiêu cụ thể, mà còn nằm ở phong cách quản lý khoa học không theo kịp với những thay đổi quốc tế. Người Nhật thường tránh cách đánh giá thẳng thừng mà coi trọng quan hệ trên dưới, quen biết, dẫn đến môi trường hạn chế những sáng tạo của các nhà khoa học trẻ. Cơ chế quản lý cứng nhắc dẫn đến nhân tài không được đánh giá đúng mức và làm xuất hiện hiện tượng chảy máu chất xám sang những nước có môi trường nghiên cứu ưu việt hơn, điển hình là Mỹ.
Việc thiếu quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản cũng dẫn đến hậu quả là Nhật Bản không có được những phát minh khoa học lớn làm tiền đề cho những nghiên cứu trong tương lai. Việc tập trung vốn đầu tư vào nghiên cứu các lĩnh vực “ít rủi ro” đã làm cho Nhật Bản bỏ lỡ nhiều cơ hội đưa Nhật Bản dẫn đầu thế giới trong những ngành khoa học mũi nhọn. Kết quả là Nhật Bản xếp hạng cao trong công nghệ vật liệu và năng lượng, đặc biệt trong công nghệ siêu nhỏ, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, nhưng lại tụt hậu trong công nghệ sinh học và công nghệ thông tin – những lĩnh vực hiện đang mang lại những thay đổi hết sức to lớn. Ngay cả trong những lĩnh vực Nhật Bản từng chiếm ưu thế như công nghệ siêu nhỏ, sức cạnh tranh của Nhật Bản cũng đã yếu đi rõ ràng sau nhiều năm không được đầu tư đúng mức.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã nhận thức rõ khoa học – kỹ thuật là yếu tố cơ bản tạo nên tính cạnh tranh quốc tế và là nền tảng để chuyển đổi sang xã hội tri thức. Chính phủ đã đề ra kế hoạch cơ bản phát triển khoa học – kỹ thuật với mục đích không chỉ đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có tính cạnh tranh kinh tế cao và phát triển bền vững, mà còn là quốc gia có thể đóng góp cho thế giới thông qua sáng tạo và áp dụng tri thức.
4. Nền văn hóa đặc sắc:
Điều kiện tự nhiên đặc biệt cùng với sự sáng tạo cao độ đã giúp cho Nhật Bản có một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc nhưng cũng mang đậm tính quốc tế. Người Nhật rất thành công trong việc biến các giá trị văn hoá nước ngoài thành văn hoá của riêng mình. Hay nói cách khác các giá trị văn hoá nước ngoài đã được khéo léo Nhật Bản hoá. Có thể nói rằng bên cạnh thành công về kinh tế thì Nhật Bản cũng rất thành công trong lĩnh vực xây dựng cho riêng mình một nền văn hoá độc đáo.
Văn hoá Nhật Bản ngày nay là kết tinh thành quả lao động, đấu tranh với môi trường tự nhiên khắc nghiệt , đấu tranh với chính mình hàng ngàn năm của những cư dân trên quần đảo Nhật Bản. Nó cũng là sự kết hợp sáng tạo linh hoạt những giá trị văn hoá bản địa cùng với các giá trị văn hoá nước ngoài. Cũng vì vậy mà nó là nơi hội tụ của văn hoá phương Đông và phương Tây và là nơi thể hiện rõ nét Nhất sự sang tạo và thích nghi uyển chuyển với môi trường tự nhiên và xã hội của dân tộc Nhật!
Ngôn ngữ Nhật bao gồm bốn thứ chữ viết và hệ thống ngữ pháp không phức tạp nhưng lại phức tạp trong cách biểu hiện. Do đó, có thể nói là một trong những thứ tiếng khó nhất thế giới.Về nguồn gốc, khó xác định được chắc chắn nguồn gốc của ngôn ngữ Nhật Bản. Phần đông học giả lập luận rằng tiếng Nhật có quan hệ với tiếng Triều Tiên và các ngôn ngữ thuộc nhóm Altaic ở vùng Trung Á kéo đến phía tây Thổ Nhĩ Kỳ. Sự giống nhau trong cách cấu tạo các động từ cho thấy chúng có chung nguồn gốc. Nếu chỉ hạn chế trong phạm vi cú pháp thì tiếng Nhật và tiếng Triều Tiên giống nhau như hai ngôn ngữ anh em. Nhưng về từ vựng thì người ta thấy có nhiều điểm khác nhau giữa hai ngôn ngữ này. Hệ thống phát âm cũng có những khác biệt: tiếng Triều Tiên cho phép tập hợp các phụ âm và tạo ra những khác biệt giữa một số âm nhất định. điều này không hề có trong tiếng Nhật.
Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng tiếng Nhật có sự lai tạp (một thứ pha trộn phức tạp) giữa ngữ pháp và cú pháp của ngôn ngữ Altaic với từ vựng của ngôn ngữ châu Úc. Ngoài ra, một số học giả lại khẳng định rằng nó là một thành viên của họ Tây Tạng -Miến Điện hoặc Mã lai-Polynexia ở phương Nam. Nói một cách ngắn gọn, nguồn gốc của tiếng Nhật vẫn là một vấn đề đang được tranh cãi. Tuy thế, đa số học giả cho rằng tiếng Nhật có nguồn gốc từ tiếng Triều tiên.
Mặt khác, nhìn bề ngoài, nhiều người cho rằng tiếng Nhật "giống" tiếng Trung Quốc. Quả thật, tiếng Nhật có quan hệ chặt chẽ với tiếng Trung Quốc vì qua nhiều thế kỷ, tiếng Nhật đã mượn rất nhiều từ của tiếng Trung Quốc. Nhưng những từ vay mượn này đơn giản chỉ là sự giao lưu văn hoá còn về ngôn ngữ thì đây lại là hai thứ tiếng rất khác nhau.
Tiếng Trung Quốc là tiếng đơn âm (hay phần lớn là song âm tiết biệt lập) với trật tự Chủ ngữ - Động từ - Tân ngữ (SVO) trong khi tiếng Nhật lại là tiếng đa âm tiết với sự cấu thành từ ngữ quá phức tạp và một trật tự Chủ ngữ - Tân ngữ - Động từ (SOV). Sự khác biệt lớn này đã gây nhiều khó khăn khi người Nhật, vào thế kỷ VIII và IX, cố gắng biến chữ viết Trung Quốc thành chữ viết riêng của mình. Nếu cú pháp tiếng Nhật hướng người ta lên phía bắc và tây bắc lục địa châu Á thì những khía cạnh trong bảng từ vựng và hệ thống phát âm (đặc biệt tiếng Nhật có hệ thống âm tiết mở và cho phép lặp lại các từ đơn giản để tạo ra số nhiều) đã hướng người ta xuống phía nam, nơi có nhóm ngôn ngữ châu Úc hoặc nhóm ngôn ngữ Dravidian ở phía nam Ấn Độ.
Một nét nổi bật của tiếng Nhật là các hình thức biểu đạt theo cấp độ khác nhau tuỳ theo tình huống. Tiếng Nhật có cách nói thông thường, khiêm nhường hoặc kính trọng, tuỳ thuộc vào mức độ kính trọng cần thiết đối với người đối thoại, vào các dịp và các yếu tố khác. Động từ, danh từ và các từ khác thay đổi hoàn toàn hoặc một phần theo cấp độ được dùng. Kính ngữ vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong xã giao, cũng như sự khác nhau giữa từ ngữ và cách nói của nam và nữ. Điều này cũng phần nào thể hiện sự phân cấp thứ bậc traong xã hội Nhật Bản. Một đặc điểm cuối cùng nổi bật của tiếng Nhật là sự biểu hiện không rõ ràng. Có nhiều từ có thể hiểu theo hai nghĩa.
5. Nền chính trị:
Nhật Bản là một trong các nước theo hệ thống quân chủ lập hiến, trong đó Thủ tướng là người nắm quyền cao nhất về các phương diện quản lý quốc gia và chịu sự giám sát của hai viện quốc hội cùng tòa Hiến pháp có thẩm quyền ngăn chặn các quyết định vi hiến của chính phủ. Được xây dựng dựa trên hình mẫu của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và một số nước phương Tây khác sau này. Theo hệ thống pháp luật thế giới hiện hành, Nhật Bản được xếp vào các nước có nền dân chủ đầy đủ ưu việt nhất. Quốc hội Nhật Bản (国会 Kokkai) là cơ quan lập pháp cao cấp nhất, gồm có Hạ viện (衆議院 shugi-in, Chúng nghị viện) với 512 ghế và Thượng viện (参議院 sangi-in, Tham nghị viện) với 252 ghế. Hạ viện được bầu ra từ 130 đơn vị bầu cử với số nghị viên từ 2 tới 6 vị tùy theo dân số. Nhiệm kỳ của Thượng viện là 6 năm, mỗi 3 năm được bầu lại một nửa. 100 Thượng nghị sĩ được bầu theo sự đại diện tỉ lệ (proportional representation) tức là do các cử tri toàn quốc, số còn lại 152 ghế được bầu từ 47 đơn vị bầu cử tỉnh. Hạ viện có quyền bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm Nội các, đây là một quyền lực chính trị quan trọng nhất của nền chính trị đại nghị. Các công dân Nhật Bản trên 25 tuổi đều có quyền ứng cử Dân biểu và trên 30 tuổi có thể tranh cử ghế Thượng viện. Quyền được thực hiện phổ thông đầu phiếu thuộc về mỗi người dân nam nữ trên 20 tuổi.
Hiến pháp của nước Nhật Bản, được công bố vào ngày 3 tháng 11 năm 1946 và có hiệu lực kể từ ngày 3 tháng 5 năm 1947, quy định rằng nhân dân Nhật Bản thề nguyện trung thành với các lý tưởng hòa bình và trật tự dân chủ. Dù vậy vào ngày 3 tháng 5 năm 2007, Nghị viện đã thông qua một văn bản dưới luật theo đó cho phép chính phủ tổ chức trưng cầu dân ý cho một bản sửa đổi mới vào năm 2010 và sẽ cần hai phần ba số phiếu thuận của Nghị viện để có hiệu lực.
Hoàng Đế ở Nhật bản được gọi là Thiên hoàng (天皇, tennō). Thiên hoàng có quyền lực rất hạn chế ở nhà nước quân chủ lập hiến này. Theo Hiến pháp Nhật Bản (1947), Thiên hoàng chỉ "tượng trưng cho nước Nhật". Đương kim Thiên hoàng Akihito, sinh ngày 23 tháng 12 năm 1933 tại thủ đôTokyo, lên ngôi ngày 7 tháng 1 năm 1989, đặt niên hiệu là Bình Thành. Ông là con của Thiên hoàng Chiêu Hòa, vị Thiên hoàng trị vì lâu dài nhất (62 năm) và cũng sống lâu nhất (87 tuổi) trong chính sử Nhật Bản.
Thiên hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko có 3 người con (hai trai và một gái). Thái tử Naruhito sinh ngày 23 tháng 2 năm 1960, đã kết hôn với cô Masako và có một con gái. Hoàng tử Akishono có hai con gái và một con trai. Theo Hiến pháp Nhật Bản, chỉ nam giới mới được thừa kế ngai vàng.
6. Khái quát về hệ thống giáo dục tại Nhật Bản:
Nhật Bản được biết đến không chỉ là một nước hùng mạnh về kinh tế bậc nhất thế giới mà còn được coi là nước có hệ thống giáo dục rất đa dạng và chất lượng. Nhật Bản đã chú trọng xây dựng một nền giáo dục hiện đại ngay từ những năm 1950.
Ở Nhật Bản, hệ thông giáo dục có nhiều đặc điểm khác với Việt Nam. Nếu Ở Việt Nam chúng ta có 5 năm Cấp I, 4 năm Cấp II, 3 năm Cấp III, và 4 năm Đại học thì ở Nhật Bản học sinh lại phải trải qua 6 năm Cấp I, 3 năm Cấp II, 3 năm Cấp III và 4 năm Đại học. Nhật Bản cũng có nhiều loại trường học như ở Việt Nam: Mẫu giáo (1 đến 3 năm); Tiểu học (6 năm, từ 6 đến 12 tuổi); Trung học cơ sở (3 năm, từ 13 đến 15 tuổi); Trung học phổ thông (3 năm); Cao đẳng kỹ thuật (Từ 5 đến 5,5 năm); Đại học ngắn hạn (2 năm); Đại học chính quy (4 năm); Trường dạy nghề (1 năm trở lên); Trường trung cấp (1 năm trở lên)
ở Nhật, hầu hết các trường tiểu học đều là trường công, chỉ có khoảng 0,7 trường tiểu học là trường tư. Các trường trung học cở sở cũng vậy, có đến 97% là trường công và chỉ có 3% là trường tư. Có khoảng 27% trường trung học phổ thông là trường tư. Học sinh ở khu vực nào phải theo học ở trường khu vực đấy, muốn học khác tuyến cũng không được. Nhật Bản đang cố gắng tiêu chuẩn hoá trình độ giáo viên trên toàn quốc để đảm bảo chất lượng giảng dạy. ở Nhật Bản có 50 huyện, mỗi huyện chịu trách nhiệm tuyển giáo viên cho huyện mình. Một giáo viên năm nay có thể phụ trách dạy lớp 1, nhưng năm sau có thể dạy lớp 3 hay lớp 5. Cũng thường xuyên quay vòng việc dạy cũng như chuyển dạy từ trường này sang trường khác.
Tổ chức đánh giá giáo dục quốc tế đã tiến hành hai cuộc khảo sát so sánh chất lượng học tập của sinh viên trên toàn thế giới. Kết quả là ở Nhật Bản, sự khác biệt về năng lực và thành tích học tập của sinh viên giữa các trường là tối thiểu, có lẽ là ít nhất trên thế giới. Hầu hết sinh viên, học sinh Nhật Bản đều làm chủ chương trình học. Các chuyên gia giáo dục Nhật bản đã có nhiều dự án nghiên cứu về tình hình kinh tế – xã hội cũng như văn hoá lịch sử, lối sông người dân để tìm ra chương trình giáo dục phù hợp nhất cho mọi cấp. Người Nhật rất “dị ứng” với việc đem hệ thống giáo dục nước khác áp dụng vào nước mình. Có thể đó cũng là một yếu tố đưa hệ thống giáo dục Nhật Bản có được nhiều chuẩn mực riêng. Về sách giáo khoa, các công ty xuất bản liên hệ với các giáo sư và giảng viên các trường đại học chuyên về môn học nào đó để chuẩn bị sách giáo khoa. Những cuốn sách này sẽ trình lên Bộ Giáo dục thông qua. Tiêu chuẩn thông qua dựa trên các khoá học do Bộ tổ chức. Chỉ có những cuốn sách nàp đáp ứng được tiêu chuẩn mới được đưa vào thử nghiệm sử dụng ở trong nhà trường. Bộ có một bộ phận chuyên trách tuyển chọn sách giáo khoa cho từng cấp học, khá nghiêm túc. Nếu thanh tra giáo dục không thông qua cuốn sách nào đó, thì cuốn sách đó không được phép sử dụng trong nhà trường. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt khá lớn về thái độ củat người phương Tây với người Nhật đối với sách giáo khoa.
Trong hệ thống này giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở là bắt buộc, từ bậc Trung học phổ thông không bắt buộc. Tỷ lệ học cấp III hiện nay của Nhật là gần 100%. Nhật Bản hiện đang có chủ chương phổ cập giáo dục bậc Phổ thông trung học. Tỷ lệ học đại học của Nhật hiện chỉ đứng sau Mỹ( khoảng 50%).
Hiện nay Nhật Bản đang thực hiện các chính sách thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập. Rất nhiều trường Dự bị tiếng được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho sinh viên nước ngoài. Như trường Kurume, Koiwa, Ngoại ngữ Osaka…Ngoài ra chính phủ Nhật còn hỗ trợ cho lưu học sinh thông qua các chương trình học bổng như Học bổng toàn phần, miễn học phí, hỗ trợ tiền thuê nhà, ăn ở…
Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang tiếp tục đầu tư cho giáo dục nhằm đưa Nhật Bản trở thành nước có hệ thống giáo dục phát triển nhất thế giới, tạo ra môi trường học tập lý tưởng nhất cho sinh viên Nhật và sinh viên nước ngoài.
- Các kỳ nhập học:
Kỳ nhập học tháng 1, 4, 7 và tháng 10
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN DU HỌC VÀ DỊCH THUẬT OSC
Trụ sở chính: Số 24 Ngõ 184 Vương Thừa Vũ, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 02435 666 668; 0972 096 096 / 0987 932 932 - Fax: 02435 666 668
Email: DuhocOSC@gmail.com
Website: www.osc.edu.vn
Facebook: www.facebook.com/duhocosc
Youtube: www.youtube.com/duhocosc
- Nguyễn Thùy Dung lên đường du học Ailen tại Trường Anh ngữ Atlas Language School
- Kinh nghiệm thi TOPIK đạt điểm cao
- Nên đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc hay Nhật Bản?
- Kinh nghiệm chuẩn bị đồ dùng khi đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc
- Những điều cần biết khi ứng tuyển lao động đi Canada 2019
- Xuất khẩu lao động Canada ngành nông nghiệp